Chúng ta đều biết rằng facebook messenger là ứng dụng chat phổ biến thứ 2 trên thế giới với hơn 900 triệu người dùng thường xuyên vì vậy nhu cầu được bảo vệ an toàn cho các cuộc trò chuyện của người sử dụng phần mềm này là rất lớn.
Facebook Messenger được cộng đồng người dùng đánh giá là ứng dụng chat được trang bị đầy đủ tính năng nhất. Vì thế, không ngạc nhiên khi nhiều người không thường xuyên sử dụng Facebook nhưng lại đăng nhập Messenger hàng ngày để nhắn tin. Việc bổ sung tính năng end-to-end sẽ càng khiến Messenger trở nên toàn diện hơn.
Theo các chuyên gia thì tính năng mã hóa đầu cuối trên Facebook Messenger sẽ được thêm vào như là một tùy chọn. Nghĩa là lúc nào người dùng cảm thấy cần bảo mật cho một cuộc trò chuyện nào đó, họ có thể bật tính năng này lên. Do đó người sử dụng Facebook trong mùa hè năm nay có thể phải thực hiện một sự lựa chọn: họ muốn thêm sự riêng tư hay trí thông minh trên ứng dụng Facebook Messenger.
Tính năng mã hóa “end-to-end” (mã hóa đầu cuối) có thể ngăn chặn cả chính quyền và Facebook đọc được nội dung các tin nhắn của bạn. Tuy nhiên Facebook cũng gặp phải một số khó khăn khi triển khai tính năng này mà chủ yếu là do các tiến bộ về “máy học” đang được họ tích hợp vào Messenger. Trong tháng Năm vừa qua, Google cũng đối mặt với một tình huống tương tự khi triển khai ứng dụng nhắn tin mới Allo.
Động thái của Facebook càng cho thấy quyết tâm của các công ty công nghệ trong việc tăng cường tính an toàn cho tin nhắn cá nhân sau sự kiện giữa Apple và FBI vừa qua.
Vấn đề của các công ty công nghệ hiện nay là họ đang bị mắc kẹt giữa 2 xu hướng hoàn toàn trái ngược nhau. Người dùng dường như lúc nào cũng muốn chia sẻ càng ít dữ liệu cho các công ty càng tốt nhưng đồng thời họ lại muốn các công ty cải thiện dịch vụ của mình bằng cách tích hợp nhiều dữ liệu cá nhân của họ.
Facebook, Google, Amazon và Apple đều đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng các trợ lí ảo có khả năng phân tích các văn bản, hình ảnh, thói quen hàng ngày của người dùng để giúp các dịch vụ, ứng dụng tương tác với họ ngày càng tốt hơn. Ứng dụng Allo của Google là một ví dụ, nó sẽ đọc và phân tích tất cả các văn bản của người dùng để đưa ra phản ứng thích hợp. Nếu bạn gửi cho bạn của bạn một hình ảnh về con chó cưng mới của mình, Google có thể đề nghị bạn của bạn trả lời: “OMG CUTE PUPPY!”.
Tại Hội nghị các nhà phát triển trong tháng Tư vừa qua, Facebook đã trình diễn cho mọi người thấy bằng cách nào họ có thể khiến Messenger trở nên thông minh hơn. Điều này bao gồm các chatbot – trong đó cung cấp các dịch vụ đơn giản, cũng như thông báo cho các tương tác trong tương lai.
Nhưng để việc mã hóa trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn thì chỉ người gửi và nhận tin nhắn có quyền đọc được nội dung của những tin nhắn. Nếu Google, Facebook hoặc một số công ty khác có khả năng xử lý các tin nhắn thì không có gì đảm bảo rằng tin nhắn này chỉ có thể đọc bởi 2 người (gửi và nhận).
Để giải quyết vấn đề này, Google đã lựa chọn cung cấp cho người dùng chế độ ẩn danh trên Allo. Chế độ này sẽ cung cấp cho người dùng khả năng mã hóa end-to-end dựa trên công nghệ tương tự trên ứng dụng WhatsApp của Facebook.
Google đã xác nhận rằng chế độ ẩn danh sẽ ngăn cản vài tính năng thông minh trên Allo nhưng đổi lại một số dữ liệu sẽ không phải đi qua máy chủ của Google. Với Google và Facebook, người dùng có thể tùy chọn bật chế độ riêng tư cho mỗi tin nhắn mà họ muốn.
Theo các kỹ sư của Google, Facebook và nhiều chuyên gia công nghệ đánh giá thì người dùng sẽ có xu hướng lựa chọn một ứng dụng nhắn tin thông minh hơn là có tính riêng tư cao. Tất nhiên xu hướng này là sự lựa chọn của số đông người dùng phổ thông. Bên cạnh đó, vẫn có một số người muốn rằng các tin nhắn nhạy cảm của mình không có một người thứ 3 biết đến.
Ban biên tập