Dấu chân số – lạ mà quen, quen mà lạ
Hẳn không ít người trong số chúng ta đã từng nghĩ rằng, khi online chỉ cần mở trình duyệt ẩn danh lên là mình hoàn toàn “vô tội”, hoặc chí ít không ai có thể truy ra và nắm bắt được những hoạt động mình đang làm? Nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng thực ra vẫn còn một khái niệm tuy mới lạ mà vô cùng gần gũi, đó là Digital Footprint, hay còn gọi là Dấu chân số, “kẻ theo dõi thầm lặng” mỗi dấu vết của chúng ta trên Internet.

Dấu chân số xuất hiện trong đời sống hằng ngày dưới muôn hình vạn trạng hình thức, từ việc công khai yêu cầu quyền truy cập thông tin cá nhân tới việc âm thầm theo dõi lượt tương tác, truy cập của bạn trên các trang mạng xã hội nhằm xây dựng chiến dịch quảng cáo…Giờ hãy thử hình dung rằng bạn lên mạng, bật trang web tìm kiếm một sản phẩm nào đó dưới dạng chế độ ẩn danh, yên tâm rằng nhà cung cấp đó không thể truy xuất được số lần bạn truy cập, địa chỉ IP hay xu hướng tiêu dùng của bạn, tuy nhiên có một điều bạn không ngờ rằng dấu chân số đã kịp thời lưu lại mọi thông tin đó. Điều này áp dụng tương tự với mọi hành vi khác, bao gồm việc đọc báo, lướt web, giải trí trên mạng xã hội…Nó len lỏi tới từng khía cạnh, ngóc ngách của cuộc sống mà chúng ta có thể vô tình không nhận thức được.
Vậy thì, vì sao chúng ta cần phải xây dựng nhận thức đúng và đủ về dấu chân số? Có một điều cần lưu ý, nó có thể lưu lại vĩnh viễn, đồng thời gây ảnh hưởng tới hình ảnh của bạn trên thế giới ảo. Một nhà tuyển dụng có thể kiểm tra mức độ uy tín của ứng viên thông qua việc yêu cầu xem xét trang cá nhân, một trường học có thể đưa ra quyết định chấp nhận/từ chối học bổng cho một sinh viên thông qua tương tác của họ trên các nền tảng xã hội…Không ai biết được dữ liệu của mình có một ngày sẽ gây tác động nghiêm trọng tới những quyết định mang tính sống còn trong cuộc đời, chưa kể thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, tài khoản ngân hàng….còn có thể bị xâm phạm bởi một bên thứ ba nào đó.
Thật may mắn, chúng ta vẫn còn rất nhiều cách để bảo vệ dấu chân số của mình khi sử dụng Internet. Dưới đây là năm cách đơn giản mà hiệu quả, giúp bạn dễ dàng nắm bắt và áp dụng khi muốn phòng ngừa những trường hợp xấu xảy ra:
1. Giới hạn chia sẻ thông tin: bạn càng chia sẻ thông tin nhiều, rủi ro những dữ liệu đó bị xâm phạm càng lớn. Hãy xác định thật kĩ những thông tin nào là cần thiết, đồng thời cân nhắc những cách khác mà không cần phải chia sẻ thông tin cá nhân.
2. Kiểm tra quyền riêng tư: bạn hoàn toàn có thể kiểm soát những ai có thể xem được nội dung mình chia sẻ trên các trang mạng xã hội, ví dụ đặt chế độ Bạn bè hoặc Chỉ mình tôi trên Facebook.
3. Tránh những website có dấu hiệu lừa đảo, không rõ nguồn gốc: kiểm tra thật kĩ URL của website bạn truy cập, thông thường những tên miền có bắt đầu bằng https sẽ có mức độ bảo mật cao hơn. Ngoài ra, không chia sẻ thông tin cá nhân của mình lên các trang web không an toàn, đặc biệt thông tin liên quan tới tới tài chính cá nhân.
4. Sử dụng mật khẩu mạnh: một mật khẩu mạnh thường thấy sẽ bao gồm chữ viết thường và viết hoa, số, kí tự đặc biệt, dài trên tám kí tự,…Hãy thường xuyên cập nhật mật khẩu, và giữ nó ở mức độ riêng tư cao nhất có thể.
5. “Think before you share”: mỗi bức ảnh, tương tác bạn để lại trên mạng xã hội sẽ phần nào xây dựng lên hình ảnh và ấn tượng về con người bạn, vì vậy việc xác định hình tượng mình muốn hướng tới, cân nhắc kĩ nội dung trước khi đưa lên trang cá nhân là điều cực kỳ quan trọng và cần thiết.
DSHvietnam