Có thể “họ” được phép biết mật khẩu của bạn!
Các dịch vụ công trực tuyến ngày nay đang được nhiều cá nhân và doanh nghiệp sử dụng bởi những tiện ích mà nó đem lại trong việc hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính công, tiết kiệm chi phí và thời gian. Thay vì chờ kết quả tại cơ quan hành chính theo cách truyền thống, chúng ta có thể nhận được kết quả điện tử một cách nhanh chóng ngay tại nhà. Một số giao dịch công phổ biến có thể kể đến như: Đăng ký tạm trú qua website Cổng Dịch vụ công Quốc gia (Bộ Công an); Khai thuế qua website Thuế điện tử (Bộ Tài chính); Nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội qua ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID (Bảo hiểm xã hội Việt Nam);…
Để đạt được kết quả tốt, các cá nhân thường lựa chọn sử dụng các bên cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu để ủy quyền họ thực hiện các giao dịch điện tử, ví dụ như thuê công ty dịch vụ về thuế thay mình thực hiện quyết toán thuế cá nhân trên trang thuế điện tử. Mặc dù những vụ việc thất thoát dữ liệu, tài khoản do ủy quyền cho các bên cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu gây ra là chưa phổ biến, nhưng trong thế giới số, không có gì là không thể xảy ra. Do đó, chúng ta nên chủ động thực hiện một số biện pháp bảo vệ tài khoản điện tử của bản thân.

1. Lựa chọn bên cung cấp dịch vụ uy tín
Hiện nay, các bên dịch vụ chủ yếu là các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ về nhân sự, thuế và bảo hiểm. Với lựa chọn dịch vụ là cá nhân, chúng ta có thể tiết kiệm chi phí, tuy nhiên lựa chọn doanh nghiệp có thể giúp chúng ta dễ dàng tìm kiếm thông tin và kiểm tra độ uy tín của doanh nghiệp, ví dụ như doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh, có ký hợp đồng dịch vụ hoặc được nhiều người giới thiệu và không có lịch sử “xấu” khi tìm kiếm thông tin trên internet. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải dịch vụ lừa đảo và cũng là bước đầu tiên để phòng tránh nguy cơ bị xâm phạm tài khoản cá nhân.
2. Thay đổi mật khẩu trước khi cung cấp thông tin cho bên dịch vụ
Tên tài khoản trên các trang dịch vụ công thường gắn liền với mã số định danh, số điện thoại, mã số bảo hiểm xã hội hay mã số thuế của chúng ta, cho nên các tên tài khoản này gần như không thể thay đổi hay hủy bỏ. Vì vậy, trước khi cung cấp thông tin cho bên dịch vụ, cần phải thay đổi mật khẩu của các tài khoản này, trách trùng lặp với mật khẩu gốc hoặc mật khẩu của các loại tài khoản khác. Đây là hoạt động phòng ngừa trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
3. Xác định rõ phạm vi ủy quyền và yêu cầu cam kết bảo mật thông tin
Đối với một loại tài khoản, có thể có nhiều hơn một loại giao dịch để thực hiện. Vì vậy, chúng ta cần làm rõ phạm vi được thực hiện công việc của bên dịch vụ, ví dụ “sử dụng tài khoản thuế điện tử để quyết toán thuế cá nhân năm 2022”, xác định rõ loại giao dịch và thời gian tương ứng nếu
có. Bên cạnh đó, việc cam kết bảo mật là một bước không nên bỏ qua, bởi vì điều này là căn cứ để xác định rõ trách nhiệm không tiết lộ thông tin của bên cung cấp dịch vụ.
4. Thay đổi lại mật khẩu sau khi hoàn thành giao dịch
Đây là một bước vô cùng quan trọng để chắc chắn rằng bên dịch vụ không truy cập vào tài khoản chúng ta lần nữa sau khi họ đã hoàn thành công việc. Hành động này cần được thực hiện ngay sau khi bên dịch vụ bàn giao lại tài khoản.
Sau cùng, mặc dù các hoạt động giao dịch chỉ diễn ra trên trực tuyến, song nếu xảy ra vấn đề, chúng ta là người phải chịu trách nhiệm giải trình với các cơ quan chức năng trong thực tế. Vì vậy, chúng ta nên thực hiện các biện pháp bảo vệ các tài khoản dịch vụ công này từ bước phòng ngừa, phát hiện kịp thời và ngăn chặn nguy cơ bị xâm phạm thông tin.
DSHvietnam