Chống chôm chỉa dữ liệu, làm sao đây?
Chúng ta đôi khi quá mải miết theo đuổi các công nghệ bảo mật tối tân mà quên đi cách bảo vệ đầu tiên cần ghi nhớ là chống trộm đột nhập nơi ở hay nơi làm việc. Nhiều người cẩn thận lắp đặt hệ thống khóa cửa hiện đại và thậm chí có hệ thống cửa sổ chống trộm, tuy nhiên lại hoàn toàn không chú ý tới số lượng chìa khóa mà họ sử dụng, cũng như việc cho ai những chìa khóa đó. Có một hệ thống bảo vệ an toàn và ý thức sử dụng hệ thống đó một cách nghiêm túc là hai điều cơ bản để tránh bị mất tài sản kèm những dữ liệu quí giá.
1. Đánh giá những nguy cơ
Để bảo vệ bất cứ thử gì thì trước tiên cần xác định các nguy cơ mà nó có thể gặp phải. Gần đây rất nhiều bạn trẻ và kể cả các ngôi sao nổi tiếng bị lộ ảnh nhạy cảm lên mạng internet. Không có gì là xấu khi bạn ghi lại những khoảnh khắc riêng tư, tuy nhiên hậu quả sẽ rất khủng khiếp nếu nhưng điều riêng tư được mang ra cho toàn thiên hạ ngắm nhìn. Hãy suy nghĩ xem ảnh nhạy cảm có nguy cơ bị mất cao nhất khi bạn lưu trữ ở đâu? Làm sao để giảm nguy cơ những điều riêng tư của bạn bị đánh cắp? Đánh giá nguy cơ là bước đầu tiên nên làm để từ đó có những phương pháp bảo vệ hiệu quả.
2. Tìm hiểu xung quanh
– Tìm hiểu hàng xóm láng giềng, người gần kề nhất với tư gia của bạn sẽ không là thừa; tìm hiểu một chút xem họ là người thế nào, liệu họ có phải là một trong những nguy cơ bạn cần cẩn thận không?
– Rà soát lại toàn bộ hệ thống cửa luôn là một điều cần thiết.
– Bạn có thể lắp camera nếu việc bảo vệ dữ liệu là tối quan trọng.
– Nên có một quầy tiếp tân cách biệt với khu làm việc để ngăn người lạ có thể đột nhập.
3. Cẩn tắc vô áy náy
– Sử dụng Internet bằng cáp luôn an toàn và khó bị xâm nhập hơn hệ thống wifi.
– Các máy chủ, modem hay các thiết bị quan trọng trong văn phòng nên được khóa trong tủ an toàn. Tội phạm chỉ cần vài giây để cài virus vào máy của bạn rồi đánh cắp các thông tin quan trọng nếu bạn để cơ sở lưu trữ dữ liệu hớ hênh.
– Nếu bạn sử dụng mạng wifi, bạn cần bảo mật điểm truy cập để kẻ xâm nhập không thể kết nối và kiểm soát thông tin trong mạng. Một người có thể xâm nhập vào dữ liệu của bạn thông qua mạng không dây thực chất cũng không khác gì việc người đó ngang nhiên vào văn phòng bạn lục soát.
– Nếu bạn không muốn để ai biết bạn đang làm gì trên máy tính thì nên chú ý điều chỉnh vị trí màn hình máy tính tránh hướng cửa ra vào, cửa sổ.
– Hầu hết các thân máy tính đều có một khe cho phép bạn khóa lại đề phòng bị người khác mở ra. Nếu bạn có một thân máy tính như vậy, bạn nên khóa lại đề phòng kẻ đột nhập có thể cắm các linh kiện gián điệp. Bạn cũng nên cân nhắc chức năng này mỗi khi mua máy tính mới.
– Khóa máy tính để tránh kẻ gian lấy trộm cũng là việc nên làm, đặc biệt là với các máy tính xách tay hoặc máy để bàn cỡ nhỏ dễ dàng được giấu trong túi hoặc dưới áo.
4. Cài đặt mật khẩu
– Trước tiên hãy làm 1 điều hết sức đơn giản là cài đặt mật khẩu cho máy của bạn và nhớ khóa máy tính mỗi khi cần đi đâu. (Hướng dẫn cài đặt mật khẩu cho máy tính)
– Có một số thiết đặt trong phần BIOS của máy tính có liên quan tới bảo mật vật lý cho máy. Trước hết, bạn cần cấu hình máy tính để nó không thể khởi động từ ổ đĩa mềm, ổ CD-ROM hay DVD. Tiếp đó bạn cần đặt mật khẩu truy cập BIOS để kẻ xâm nhập không thể thay đổi các thiết đặt trong đó. Hãy nhớ chọn một mật khẩu mạnh.
– Nếu bạn sử dụng phần mềm để tạo và lưu mật khẩu, hãy đảm bảo rằng bạn không chỉ giữ một bản duy nhất cơ sở dữ liệu mật khẩu trên máy.
– Hãy tạo thói quen khóa màn hình máy tính với mật khẩu mỗi khi bạn rời máy tính. Trong Windows, có thể thực hiện rất dễ dàng bằng cách ấn cùng lúc phím biểu tượng Windows và phím L.
– Nếu vẫn chưa yên tâm, hãy mã hóa các thông tin nhạy cảm bằng phần mềm.
5. Cảnh giác với thiết bị di động
Hãy luôn giữ máy xách tay, điện thoại di động hay các thiết bị cầm tay khác có chứa thông tin nhạy cảm bên mình. Và quan trọng nhất, đừng phô trương cho bọn đạo chích thấy rằng bạn đang mang những thiết bị có giá trị, hãy tránh sử dụng các thiết bị cá nhân tại nơi công cộng.
6. Nếu là doanh nghiệp, bạn nên làm một chính sách sử dụng văn phòng
– Qui định các loại khóa và ai là người giữ các chìa khóa, nếu có vấn đề gì thì cũng dễ tìm ra người chịu trách nhiệm hơn là mò kim đáy biển.
– Qui định những nơi nhân viên có thể vào hay không thể vảo. Ví dụ nhân viên bình thường không cần thiết vào phòng giám đốc nếu không có chuyện gì.
– Có một bản kiểm kê tài sản đầy đủ với các thông tin chi tiết để khi mất có thể truy ra ngay là mất cái gì.
– Các giấy tơ quan trọng nên được tiêu hủy bằng cách xẻ nhỏ thay vì chỉ vo cho vào thùng rác.
(Nguồn: Security in a box)