Cẩn trọng khi sử dụng phần mềm VPN Hola
Mới đây, dịch vụ VPN Hola đã khoe trên blog của công ty việc đạt được 200,000 lượt download chỉ vài giờ sau khi Việt Nam có động thái khóa truy cập vào Facebook và Instagram trên diện rộng (xem chi tiết). Nhiều tờ báo và trang mạng uy tín của Việt Nam đăng bài hướng dẫn cách cài đặt Hola để truy cập vào Facebook, cũng như khuyên rằng đây là một trong những ứng dụng VPN đáng tin cậy nhất. Theo như số liệu Hola cung cấp, hiện ứng dụng này có khoảng 47 triệu người dùng trên toàn thế giới, một con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia bảo mật hàng đầu thì VPN Hola lại là một ứng dụng VPN không đáng tin cậy mấy, càng đào sâu nghiên cứu họ càng tìm ra những lỗ hổng bảo mật chết người của phần mềm VPN này.
Hiểm họa từ “peer-to-peer”
Hola hoạt động theo cơ chế “peer-to-peer”, hiểu đơn giản là người giúp người, khi bạn tham gia vào hệ thống Hola, máy tính hay điện thoại của bạn sẽ trở thành một trong những điểm trung gian giúp người khác truy cập vào internet, và ngược lại bạn cũng có thể sử dụng mạng của người khác để kết nối vào internet. Chính vì điều này nên Hola rất tự tin vào việc không giới hạn dung lượng khi dùng VPN, vì cơ bản họ cũng không phải đầu tư gì nhiều cho server và băng thông. Nghe rất nhân văn và hợp lý đúng không? Nhưng sự thật công nghệ peer-to-peer này có thể mang đến cho bạn những rủi ro chết người.
Khi bạn để cho một người lạ kết nối vào internet thông qua mạng của nhà mình, bạn không những là đang trả tiền internet cho người khác dùng chùa mà còn có thể gánh luôn hậu quả nếu người lạ mặt làm gì sai trái thông qua mạng của bạn. Ví dụ người lạ có thể dùng mạng của bạn để hack các cơ quan chính phủ, hack tài khoản ngân hàng, phát tán các sản phẩm khiêu dâm, phát tán hình ảnh ấu dâm, lây nhiễm virus,…nếu bị công an hỏi thăm thì bạn đúng là tình ngay lý gian và sẽ rất khó cho bạn để biện hộ cho mình vì rõ ràng các cuộc tấn công hay phát tán đến từ địa chỉ nhà bạn. Cái này chính là “làm ơn mắc oán”.
Còn nếu bạn sử dụng Hola để vào internet thông qua người khác, bạn cũng chính là đang mở một cánh cửa để người lạ có thể kiểm soát máy tính của mình. Hoàn toàn không có gì khó để thông qua mạng lưới peer-to-peer lén lút cài phần mềm theo dõi vào máy tính hay điện thoại của nạn nhân, thậm chí đánh cắp tất cả các tài khoản và thông tin lưu trong máy cũng hoàn toàn là khả thi.
Nhóm nghiên cứu còn tìm ra rằng, công ty con của Hola với tên gọi là Luminati rao bán nhiều gói dịch vụ giá trị giá tăng trên Hola mà có gói lên tới $20/GB. Bản thân Hola cũng giới thiệu các gói dịch vụ trả tiền mà người dùng có thể sử dụng internet của người khác thông qua Hola nhưng không cần phải chia sẻ mạng nhà mình với người lạ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ tuyên bố này vì peer-to-peer là bản chất của Hola, sẽ rất khó để tạo ra các ngoại lệ.
Nói tới đây, bạn có còn nghĩ bạn đang sử dụng môt dịch vụ miễn phí không giới hạn nữa không? Hoàn toàn không các bạn nhé, miễn phí trên bề mặt nhưng sâu thẳm bên trong bạn đang trả những cái giá rất đắt đấy. Khi sử dụng Hola, đừng ngạc nhiên nếu hóa đơn internet hay hóa đơn điện thoại có thể cao đột biến, đừng ngạc nhiên khi đột nhiên mới đầu tháng mà tốc độ truy cập internet đã bị đẩy xuống gói thấp hay cũng đừng ngạc nhiên khi tự nhiên bị mất cắp tài khoản và thông tin cá nhân không rõ nguyên nhân.
Ban Biên Tập