Bí kíp để lướt web an toàn

Internet là nơi mà bạn có thể tìm được hần hết các thông tin mà bạn muốn, tuy nhiên mặt khác thì đó cũng là nguồn gốc xuất phát của các mối đe dọa không hề nhỏ. Vì vậy, để bảo vệ thông tin cá nhân của mình, cũng như bảo vệ máy tính của bạn được an toàn thì bạn nên biết và làm theo những cách sau đây:

1. Sử dụng proxy hoặc VPN:

Việc sử dụng proxy vô danh hoặc VPN (Virtual Private Network) để duyệt web sẽ an toàn hơn nhiều khi bạn lỡ truy cập vào các số trang web độc hại. Một số tiện ích mà người dùng có thể tham khảo như Blue Box Proxy, Go 2 Proxy (phần mở rộng dành cho Firefox), Proxy Py Web Proxy (phần mở rộng dành cho Chrome) hoặc các ứng dụng VPN miễn phí như là TrustConnect, TunnelBear, CyberGhost, Free VPN,… ngoài ra các bạn có thể dùng Tor để lướt web thay cho cá trình duyệt quen thuộc bạn hay dùng.

2. Sử dụng tường lửa (Firewall):

Khi sử dụng tường lửa có nghĩa là bạn hoàn toàn có quyền cho phép hoặc từ chối truyền thông tin qua mạng dựa trên một số quy tắc. Thông thường thì các cơ quan hoặc tổ chức hay sử dụng tường lửa như Pixs hoặc một phần mềm tường lửa như ISA. Đối với người dùng cá nhân, bạn có thể sử dụng Comodo hoặc các phần mềm chống virus được tích hợp tường lửa sẵn như AVG, Norton Security hoặc Avast.

3. Sử dụng chế độ Incognito:

Khi sử dụng chế độ Incognito (chế độ ẩn danh, mỗi trình duyệt sẽ đặt bằng cái tên khác nhau), các trang web bạn truy cập sẽ không xuất hiện trong lịch sử trình duyệt, lịch sử tìm kiếm. Việc sử dụng chế độ này sẽ giúp bạn thoát khỏi các cookie theo dõi hay các tập tin tạm.

4. Sử dụng các dịch vụ quét liên kết:

Các phần mềm antivirus đôi khi sẽ tích hợp sẵn một thành phần mở rộng đi kèm để giúp người dùng quét các liên kết tự động. Chẳng hạn như WOT (Web of Trust – của Avast), giúp xác định danh tiếng của một trang web, tương thích với trình duyệt Google Chrome và Firefox. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các dịch vụ quét các liên kết khác như Link Scanner, URL Void.

5. Điều chỉnh lại các thiết lập trên các mạng xã hội:

Hiện nay, có nhiều người dùng vẫn vô tư công khai các thông tin cá nhân hoặc chia sẻ mọi thứ trên mạng xã hội, điều này hoàn toàn có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề không hay. Xem thêm bài viết: Facebook của bạn cần gì để bảo mật phần 1 và phần 2

6. Sử dụng chế độ duyệt web an toàn:

Giao thức HTTPS sẽ đảm bảo thông tin liên lạc của bạn được an toàn hơn khi lướt web nhờ vào các phương thức mã hóa. Một số thành phần mở rộng mà người dùng có thể sử dụng như HTTPS Finder và HTTPS EveryWhere (dành cho Firefox) hay Facebook Secure Connection (dành cho Google Chrome).

7. Đặt mật khẩu phức tạp:

Đặt mật khẩu phức tạp là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho tài khoản của bạn. Một mật khẩu phức tạp thường bao gồm các chữ số, chữ in hoa và các kí tự đặc biệt để gây khó khăn cho các phần mềm dò mật khẩu và hacker. Ví dụ như Ho@h0ahOA thay vì là hoahoahoa. Xem thêm bài viết: Bí kíp tạo mật khẩu mạnh

8. Tránh sử dụng các máy tính công cộng:

Khi sử dụng các máy tính ở thư viện, quán cà phê để đăng nhập vào Facebook, người dùng có nguy cơ mất mật khẩu rất cao. Do đó, bạn nên hạn chế sử dụng máy tính ở các địa điểm này vì kết nối của nó không được bảo mật và an toàn cho người sử dụng.

9. Tránh lưu mật khẩu trên trình duyệt:

Thông thường thì để tiết kiệm thời gian, người dùng thường hay lưu lại mật khẩu các tài khoản trực tiếp ngay trên trình duyệt. Tuy nhiên, mật khẩu bị lưu lại rất dễ được phát hiện bởi các phần mềm gián điệp hoặc những người dùng có kinh nghiệm. Do đó, bạn nên sử dụng các phần mềm quản lý mật khẩu như KeePass hay 1Password. Bằng cách này hay bằng cách khác, việc sử dụng 2 phần mềm trên cũng sẽ giúp bạn tránh được các rắc rối phải nhớ một số lượng lớn các thông tin tài khoản, đồng thời giúp bạn quản lý thông tin an toàn hơn.

Ban biên tập