Bí kíp bảo vệ tài khoản Facebook

Sự phát triển mạnh mẽ của Facebook tại Việt Nam đã kéo theo một loại tội phạm mới chuyên ăn cắp các tài khoản Facebook, đặc biệt là tài khoản của những người nổi tiếng. Mất tài khoản đã là chuyện khó chịu, nhưng càng khó chịu hơn khi tài khoản có thể bị lợi dụng để lừa gạt bạn bè, người thân, fan hậm mộ của bạn. Vậy hãy bảo vệ tài khoản từ bây giờ thay vì mất bò mới đi làm chuồng. Hướng dẫn sau đây sẽ cho bạn những kiến thức cơ bản để bảo vệ tài khoản Facebook của bản thân:

1. Luôn luôn truy cập vào Facebook bằng một đầu kết nối đáng tin cậy.

– Nếu bạn muốn mã hóa kết nối và ẩn danh thì hãy kết nối vào internet thông qua mạng ảo VPN. Nếu công ty bạn không có mạng ảo VPN riêng thì hãy các công cụ miễn phí như Tor hay Psiphon.

-Luôn luôn vào thẳng Facebook bằng URL trực tiếp https://www.facebook.com/, tuyệt đối không vào  Facebook bằng đường link gián tiếp, ví dụ đường link được gửi cho bạn thông qua email, có khả năng rất cao những đường link này đã bị cài sẵn phần mềm độc hại.

– Bạn hãy vào Facebook bằng URL bắt đầu bằng HTTPS thay vì HTTP thông thường, HTTPS sẽ mã hóa các hoạt động của bạn trong Facebook khiến người ngoài không ngó vào nhà bạn được.

2. Hãy tạo một mật khẩu thật mạnh, nếu mật khẩu của bạn quá đơn giản như 123456, các chương trình máy tính cần không đến 1 phút để phá giải mật khẩu của bạn.

Hướng dẫn tạo mật khẩu tạo mật khẩu mạnh

3. Hãy tạo 2 lớp bảo vệ, trong đó một lớp là số điện thoại của bạn. Mỗi lần đăng nhập, ngoài mật khẩu bạn sẽ cần một số PIN được gửi tới điện thoại của mình. Điều này giúp cảnh báo bạn sớm nếu có ai cố tình hack vào tài khoản của bạn, bạn cũng hoàn toàn có thể khóa người này để không thể tiếp tục hack tài khoản của bạn.

Hướng dẫn cài đặt 2 lớp mật khẩu cho Facebook

4. Bảo vệ mật khẩu thật kĩ. Cách lý tưởng nhất để bảo vệ mật khẩu là dùng phần mềm quản lý mật khẩu như Keepass hay 1password. Nếu không, bạn hãy nhớ bảo vệ email thật kĩ càng, bạn nên dùng một mật khẩu thật mạnh và riêng biệt cho email. Nếu bạn làm mất email, hacker hoàn toàn có thể khống chế các tài khoản online khác của bạn, bao gồm cả Facebook bằng cách đổi hết mật khẩu.

Hướng dẫn cách cài đặt Keepass

Hướng dẫn cách cài đặt 1password

5. Dùng tất cả các công cụ bảo mật mà Facebook cung cấp để bảo vệ tài khoản

Bật chức năng Login Notifications (thông báo khi có người đăng nhập) and Login Approvals (kiểm duyệt đăng nhập) ở mục Accounting setting (thiết đặt). Hai chức năng này sẽ cảnh báo cho bạn nếu có người lạ cố tình đăng nhập vào tài khoản của bạn, đồng thời địa chỉ IP cũng sẽ được ghi lại để báo cho bạn biết kẻ xâm nhập hiện đang ở đâu (Nga, Mỹ, Iran, Hà Nội, Đà Nẵng,…). Bạn có thể cài đặt hai chức năng này như sau:

Settings – Security – Login Notification/Alerts

Settings – Security – Login Approvals

Bật chế độ Trusted Contacts (Bạn bè tin cậy). Chức năng này cho phép bạn lựa chọn một số bạn bè tin cậy, trong tình huống xấu nhất là bạn không thể vào được Facebook, những người này có thể giúp bạn. Bạn bật chức năng này bằng cách:

Settings – Security – Trusted Contacts (sau đó chọn 3 người mà bạn tin tưởng)

6. Hạn chế để các ứng dụng sử dụng tài khoản Facebook làm tài khoản đăng nhập

Mặc dù sử dụng tài khoản Facebook để đăng nhập các ứng dụng ngoài là một việc hết sức tiện lợi, điều này có thể mang lại nhiều rủi ro, đặc biệt là khi bạn dùng tài khoản Facebook để đăng nhập vào các ứng dụng không tử tế. Bạn chỉ nên dùng Facebook đăng nhập vào các ứng dụng do Facebook tạo ra hoặc của các công ty đáng tin cậy. Bạn có thể vào Settings – Apps để xem các ứng dụng nào đang sử dụng tài khoản Facebook của bạn để đăng nhập và loại bỏ các ứng dụng không đáng tin. Ngoài ra bạn nên chỉnh sửa (edit) Apps others use (Các ứng dụng những người khác dùng) để chỉnh không cho các ứng dụng thu thập các thông tin cá nhân của bạn trên Facebook. Bạn có thể sẽ rất kinh ngạc nếu biết rằng các ứng dụng này thu thập rất nhiều thông tin của bạn, bao gồm ngày sinh, chỗ ở, tình trạng hôn nhân, gia đình và các mối quan hệ, công việc, học vấn, nghề nghiệp,….

7. Từ chối một số tiện ích để đảm bảo an toàn.

Tiện ích có thể đi kèm với rủi ro. Facebook có dịch vụ Mobile Email Address (Địa chỉ email đăng tải) để giúp bạn tải bài trực tiếp lên Facebook. Tốt nhất là không nên Share (chia sẻ) hay sử dụng email này để tránh khả năng hacker lấy được địa chỉ email thông qua tài khoản email.

8. Đăng xuất khỏi Facebook khi bạn dùng chung máy tính với người khác. Nếu quên, bạn có thể đăng xuất từ xa bằng cách:

Setting (thiết lập) – Security (Bảo mật)  – Where You’re logged in (Nợi bạn đăng nhập). Đến đây bạn có thể chọn kết thúc từng hoạt động riêng lẻ hoặc kết thúc toàn bộ hoạt động. Trang này là danh sách trình duyệt và thiết bị đã được sử dụng gần đây để đăng nhập vào tài khoản của bạn. Mỗi mục nhập bao gồm ngày, giờ và vị trí tương đối khi đăng nhập, cũng như loại thiết bị được sử dụng để truy cập vào tài khoản của bạn).

9. Phản ứng thật nhanh để dành lại quyền kiểm soát trong trường hợp bị hack. Ngay khi thấy các dấu hiệu khả nghi, bạn nên ngay lập tức đổi lại mật khẩu nều còn có thể. Nếu không còn cách nào khác, bạn nên ngay lập tức liên lạc Facebook để được giúp đỡ.

10. Chạy phần mềm diệt virus thường xuyên và cân nhắc kĩ trước khi bấm vào những đường link không rõ nguồn gốc.

Ban Biên Tập