Bí kíp bảo vệ Gmail

Gmail là một trong các dịch vụ email phổ biến nhất thế giới, nó liên kết với các dịch vụ Google khác như Drive, Calendar… Vì vậy, việc bảo mật cho Gmail là rất cần thiết. Sau đây là những cách bảo vệ Gmail mà bạn nên biết để không bị sập bẫy tấn công lừa đảo, hacker hay các sai lầm khác.

1. Luôn bật 2 bước xác nhận

Là bước cơ bản nhất của tất cả các bước bảo mật tài khoản, xác thực 2 bước đảm bảo không ai có thể xâm phạm tài khoản của bạn ngay cả khi họ có mật khẩu. Một mã sẽ được gửi đến điện thoại mỗi khi bạn muốn đăng nhập trên thiết bị mới. Hãy tham khảo thêm bài này để kích hoạt tính năng xác minh 2 bước nhé.

2. Thường xuyên kiểm tra nhật ký hoạt động

Nếu lo lắng có kẻ nào đó đang “dạo chơi” trong tài khoản của bạn (chẳng hạn, email bạn chưa từng đọc qua lại được đánh dấu đã đọc), bạn nên kiểm tra nhật ký hoạt động để biết tài khoản được truy cập khi nào và ở đâu.

Mở hộp thư Gmail, cuộn xuống dưới cùng, nhìn sang góc phải, bấm vào Details/Chi tiết. Nó sẽ đưa bạn đến trang nhật ký hoạt động. Từ đây, bạn có thể nhìn thấy mọi thứ về tài khoản được truy cập như thế nào, ở cuối trang có tùy chọn hiển thị cảnh báo với hoạt động bất thường.

Nếu bạn muốn an toàn hơn nữa, ở trên cùng màn hình có tùy chọn Đăng xuất khỏi tất cả các phiên bản web khác.

3. Kiểm soát truy cập được cấp phép đến tài khoản Gmail

Nếu không để ý đến các ứng dụng được phép truy cập vào thông tin trên tài khoản Google của bạn, bạn có thể đang trao những dữ liệu quan trọng cho kẻ chuyên spam và lừa đảo. Để quản lý danh sách ứng dụng được kết nối đến tài khoản của bạn, truy cập vào trang này. Khi thấy có gì khả nghi hoặc đơn giản là muốn chấm dứt quyền truy cập của ứng dụng nào đó, chỉ cần bấm vào nó và chọn Xóa.

4. Đổi mật khẩu mỗi khi có lỗ hổng bảo mật

Những năm gần đây, các vụ rò rỉ dữ liệu quy mô lớn liên tiếp diễn ra trên phạm vi toàn cầu, chẳng hạn sự cố gián đoạn PlayStation Network năm 2011, vụ xâm phạm eBay năm 2014. Tuy nghe có vẻ xa xôi, song rất có thể thông tin đăng nhập của bạn đang bị ảnh hưởng. Do đó, bạn nên học thói quen đổi mật khẩu mỗi khi có các sự cố về bảo mật trên mạng và đảm bảo đó phải là một mật khẩu mạnh bao gồm chả chữ, số và ký tự đặc biệt.

Hãy tham khảo thêm về cách tạo một mật khẩu mạnh tại đây.

5. Kiểm tra cài đặt chuyển tiếp email và ủy quyền

Đôi khi, hacker chỉ cần truy cập tài khoản của bạn một lần duy nhất để setup mọi thứ. Chúng có thể cài đặt địa chỉ email chuyển tiếp đối với các email quan trọng hoặc tự cấp cho chúng quyền “thay mặt bạn” đọc email với tư cách “người ủy quyền”.

Để bảo đảm điều này không xảy ra, truy cập tài khoản Gmail, bấm vào biểu tượng cài đặt ở góc trên cùng bên phải rồi bấm vào thẻ Tài khoản và Nhập (Account and Import). Kiểm tra xem có email nào nằm cạnh dòng Cấp quyền truy cập vào tài khoản của bạn (Grant access to your account) hay không và tích vào Đánh dấu cuộc hội thoại là đã đọc khi được mở bởi người khác để dễ dàng phát hiện hành vi đáng ngờ.

Sau đó, bấm vào Chuyển tiếp và POP/IMAP và bảo đảm không có địa chỉ email chuyển tiếp nào được thiết lập trên tài khoản của bạn. Nếu thấy điều bất thường, hãy xóa bỏ các địa chỉ email không nên có mặt và thay mật khẩu ngay lập tức.

Ban biên tập