Apple đối đầu với FBI – Một bằng chứng về tầm quan trọng của việc mã hóa
Chiều thứ Ba (16/2) tại Tòa án California là nơi phán quyết cho vụ án xả súng vào hơn 14 người tại San Bernardino, California do cặp đôi Syed Farook và vợ Tashfeen Malik thực hiện – bị tình nghi có liên quan tới Tổ chức Hồi Giáo tự xưng IS. Điều đáng chú ý là sau khi bộ đôi sát nhân này chết, cảnh sát đã phát hiện ra chiếc iPhone 5C của Farook tại phòng. Nhằm giúp làm sáng tỏ vụ án, Apple đã cố gắng cung cấp các thông tin cần thiết, nhưng Cục điều tra liên bang Hoa Kỳ vẫn muốn công ty này tạo ra một loại backdoor (cửa hậu), giúp cơ quan này có thể mở khoá bất kỳ chiếc iPhone nào mà họ muốn.
Nhưng Apple đã từ chối việc mở khóa cho chiếc iPhone này, cũng như tạo ra backdoor để hack vào Iphone đó vì họ cho rằng, nếu làm vậy họ sẽ “phản bội” lại khách hàng của mình. Và từ một câu chuyện tưởng chừng như chẳng có gì quá nghiêm trọng thì nó đag gây ra một cuộc tranh cãi lớn giữa những nhà lập pháp và những người đứng đầu giới công nghệ hiện nay.
Việc mở khóa một thiết bị chẳng có vấn đề gì đối với một nhân viên bảo mật thuộc FBI vì với passcode trên chiếc iPhone 5c do thủ phạm để lại chỉ có 4 chữ số, họ hoàn toàn có thể dùng máy và thuật toán để dò ra được mật khẩu như trong những bộ phim hình sự vậy. Nhưng vấn đề nằm ở chính cơ chế bảo mật của Apple, với bản iOS trên chiếc iPhone vừa đề cập ở trên, nếu nhập sai mã quá 10 lần thì dữ liệu trong máy sẽ bị xóa sạch nên FBI không thể thử hàng loạt mật khẩu vào để tìm ra câu trả lời chính xác được.
Chính tay Tim Cook đã viết một bức thư gửi đến giới báo chí và những trang mạng. Trong bức thư này, ông đã đề cập đến sự quan trọng của việc mã hóa một thiết bị thông minh nhằm bảo vệ sự riêng tư của người dùng, cũng như thể hiện sự bất bình trước vụ án San Benardino hồi tháng 12 năm ngoái. Ngoài ra, Apple vẫn đánh giá cao và chấp nhận hợp tác cũng như hỗ trợ cho FBI trong khuôn khổ của pháp luật nhưng không được đe dọa đến việc bảo mật thông tin của khách hàng.
Sự cần thiết của mã hóa
Smartphone đã trở thành một phần cơ bản trong cuộc sống của chúng ta. Người ta dùng nó để chứa một lượng lớn thông tin cá nhân, từ những cuộc hội thoại riêng tư đến hình ảnh, nhạc, ghi chú, lịch, danh bạ, dữ liệu tài chính và sức khỏe, thậm chí là những nơi chúng ta đã đến và những chỗ sắp đi. Tất cả những thông tin đó cần phải được bảo vệ khỏi hacker và những kẻ xấu muốn truy cập chúng, đánh cắp chúng và sử dụng mà không có sự cho phép hay nhận thức của chúng ta. Khách hàng kỳ vọng Apple và những công ty công nghệ khác làm tất cả mọi thứ có thể để bảo vệ những dữ liệu cá nhân này, và Apple cũng đã cam kết mạnh mẽ về việc canh gác dữ liệu cho khách hàng của họ.
Việc can thiệp vào tính bảo mật của dữ liệu cá nhân có thể khiến quyền riêng tư của chúng ta bị xâm hại. Đó là lý do vì sao mã hóa trở thành một nhân tố vô cùng quan trọng. Trong nhiều năm qua, Apple đã dùng mã hóa để bảo vệ dữ liệu riêng tư của khách hàng vì họ tin rằng đây là cách duy nhất để đảm bảo an toàn cho thông tin. Họ thậm chí còn khiến cho chính mình không thể truy cập được vào dữ liệu khách hàng, bởi vì họ cho rằng nội dung nằm trong iPhone của bạn không phải là thứ mà họ quan tâm.
Nhưng Apple có một cách tiếp cận khác ở Trung Quốc
Nói không ở nhiều nơi, nhưng Apple lại “gật đầu” ở Trung Quốc, nơi mà cả Google, Facebook đều gặp khó khăn để vượt qua bức tường kiểm duyệt gắt gao của chính quyền nước này. Đầu tháng 1/2015, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc đưa tin Apple đã đồng ý để cơ quan an ninh nước này kiểm tra những chiếc iPhone iPad trước khi được bán ở nước này. Tờ Tin tức Bắc Kinh cũng cho rằng Apple đã “ngoan ngoãn” chấp nhận yêu cầu kiểm duyệt dữ liệu sau cuộc gặp mặt giữa Tim Cook và Lu Wei, Giám đốc Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc
Truyền thông Mỹ đã phải lên tiếng. Tờ Quartz đặt câu hỏi “vì sao Apple lại phân biệt đối xử với Mỹ và ưu ái Trung Quốc?“, đồng thời bình luận rằng Apple chấp nhận “cúi đầu” cũng chỉ vì muốn được xâm nhập thị trường lớn nhất thế giới. Hãng đã chấp nhận để Trung Quốc kiểm tra mã nguồn của hệ điều hành iOS, bất chấp nguy cơ bị “đọc vị” những lổ hổng bảo mật chết người, bất chấp việc đi ngược lại với chính sách bảo mật dữ liệu người dùng do mình từng đề ra.
Như thường lệ, Apple không vội vàng đáp trả truyền thông. Hãng này chọn giải pháp im lặng trước những câu hỏi liên quan đến Trung Quốc. Apple chỉ lặp lại rằng mình luôn tôn trọng quyền bảo mật dữ liệu của người dùng.
Tổng hợp từ internet